Chọn địa điểm kinh doanh không đơn giản là tìm một mặt bằng có mức giá hợp lý, mà đó là kết quả của quá trình nghiên cứu thị trường dựa trên các tiêu chí cơ bản.
- Dân số trong khu vực: Khách hàng là nguồn thu nhập chính của quán. Vì vậy chọn nơi càng đông người, khả năng tiếp cận khách hàng mục tiêu càng lớn, và cơ hội chuyển đổi khách vãng lai thành khách trung thành càng cao.
- Tầm nhìn (View): Chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao, khách hàng không chỉ cần một thức uống ngon, mà còn thích một nơi có view đẹp để ngắm thiên nhiên hoặc cảnh phố phường. Vì lý do đó, ngày càng nhiều người “trung thành” với một quán cafe – trà sữa chỉ vì view chất lượng.
- Quán của bạn có dễ tiếp cận không? Đã có nhiều trường hợp khách hàng mất kiên nhẫn khi tìm đường đến quán. Vì vậy nếu lựa chọn một vị trí trong hẻm, hay khu vực ít người qua lại, chủ quán nên chủ động trang bị thêm bản chỉ dẫn ở đầu hẻm, hoặc ít nhất là đảm bảo đúng số nhà để khách hàng không bị lạc đường khi đi theo hướng dẫn của google map.
- Khách hàng có dễ nhìn thấy bảng hiệu không? Vị trí của quán ở ngoài mặt tiền hay ở tận hẻm sâu đều không quan trọng, quan trọng là bảng hiệu có dễ nhìn thấy hay không. Vì nhiều quán cafe – trà sữa có màu sắc và phong cách thiết kế bảng hiệu quán nhạt nhòa, nên dù khách hàng quay đầu xe nhiều lần vẫn không nhìn thấy.
- Bãi đỗ xe: Với thói quen đi lại của người Việt Nam, bãi đậu xe là điều kiện bắt buộc phải có khi mở quán. Nếu không có không gian để chứa thêm xe của khách, người chủ bắt buộc phải thuê thêm chỗ giữ xe. Lưu ý duy nhất cho trường hợp này là đảm bảo khoảng cách từ bãi xe đến quán không quá xa, hạn chế việc khách phải cuốc bộ một đoạn đường dài mới đến được quán.
5 tiêu chí kể trên là thước đo giúp chủ quán dễ dàng hơn trong việc xác định địa điểm kinh doanh. Ngoài ra, chúng tôi còn gợi ý thêm những vị trí phổ biến, được nhiều chủ quán chọn lựa sau khi nghiên cứu về số lượng, hành vi, thói quen tiêu dùng của khách hàng và mức độ tiện lợi để tiếp cận khách bên ngoài.
- Nơi đông dân cư: Gần chợ, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, vui chơi, du lịch…
- Nơi dễ nhìn, dễ kiếm: Ngã ba, ngã tư, ngã năm, quảng trường, khu vực người đi bộ…
- Nơi tập trung những quán kinh doanh tốt: Khu ẩm thực, con đường, dãy phố nổi tiếng đã được người tiêu dùng biết đến.
- Nơi phát triển trong tương lai: Có điểm dừng đặc biệt như khách sạn, nhà nghỉ hoặc những vị trí thuận lợi khác.
- Khu biệt lập: Những tòa nhà, cao ốc, khu thương mại, siêu thị, sân bay, nhà ga, khu du lịch… với đối tượng khách hàng riêng biệt (có đặc điểm riêng về nghề nghiệp, thu nhập…)
Mỗi vị trí đều sở hữu một ưu điểm riêng. Tùy theo mục tiêu và kế hoạch kinh doanh, chủ quán sẽ chọn cho mình một vị trí lý tưởng để tạo đà phát triển. Ngoài việc tìm kiếm những vị trí đắc địa, vẫn còn một hướng đi khác giúp chủ quán xác định vị trí kinh doanh phù hợp, đó là dựa trên nhóm khách hàng mục tiêu như:
- Khách khám phá: Sẵn sàng đi bất kỳ nơi nào có review tốt hoặc độc – lạ – xịn
- Khách công vụ: Thường xuyên đi lại ở những khu vực thuộc trung tâm thành phố
- Khách du lịch lẻ: Ở gần cơ sở lưu trú, du lịch
- Khách thuận tiện: Những vị trí thuận tiện, đông dân cư, dễ tìm kiếm
- Khách trung thành: Vị trí phù hợp với phong cách nhà hàng, có thể xa trung tâm thành phố
- Khách hàng du lịch đoàn: Trên tuyến đường du lịch
Vì tìm được một vị trí ưng ý không đơn giản, nên khi kiếm được nơi lý tưởng, chủ quán có xu hướng vội vàng đặt gạch giữ chỗ. Tuy nhiên, những bước đầu mở quán cafe – trà sữa sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức và cả chất xám. Vì vậy, để quá trình kinh doanh được diễn ra liên tục và không gặp phải trở ngại giữa chừng liên quan đến việc thuê mướn, bạn cần lưu ý những điểm sau, trước khi chốt hạ việc chọn mặt bằng.
✅ Địa điểm có nằm trong khu quy hoạch hay không?
✅ Chủ nhà có giấy phép xây dựng không?
✅ Chủ nhà là cá nhân hay doanh nghiệp?
✅ Giá thuê đã bao gồm thuế hay chưa?
✅ Tiền cọc mặt bằng có như thông lệ là 3 tháng không?
✅ Thanh toán theo tháng hay theo quý?
✅ Có điều khoản về sửa chữa, cải tạo lại kết cấu nhà như yêu cầu của cơ quan
quản lý nhà nước không?
✅ Thỏa thuận việc không hoàn thành thủ tục xin cấp giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, được coi là căn cứ để đơn phương chấm dứt hợp đồng.
✅ Chú ý thỏa thuận về việc bồi thường của chủ nhà, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng với các khoản đầu tư, cải tạo của bên đi thuê. Thương lượng 3 lần phí đặt cọc hoặc bồi thường chi phí đầu tư cơ bản, theo khấu hao đến thời điểm chủ nhà đơn phương chấm dứt.
✅ Thương lượng giá trong thời gian Sửa chữa mặt bằng. Thông lệ là 1 tháng mặt bằng cần xây dựng, 7-15 ngày với mặt bằng sửa chữa cơ bản.
“Bút sa gà chết”, trước khi ký kết hợp đồng người chủ nên kiểm tra lại những thông tin cơ bản như: Diện tích mặt bằng, tổng diện tích sử dụng, có khu vực để xe không, ngày nhận mặt bằng, ngày bắt đầu trả tiền, thời hạn thuê mặt bằng, chi phí thuê, chi phí cọc, thời gian sửa chữa…
Những phân tích trên sẽ phần nào giúp chủ quán có thêm tư liệu để nghiên cứu và tự tin đưa ra quyết định chọn nơi phù hợp cho mô hình kinh doanh, một yếu tố quyết định sự thành bại của quán cafe – trà sữa.